Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức chuỗi hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về vận hành và quản lý hiệu quả mạng lưới điện quốc gia”, với sự tham gia của hơn 200 cán bộ, nhân viên đến từ EVN, EVNNPT và các tổ chức có liên quan, cùng với các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về năng lượng đến từ các công ty quốc tế.
Hội thảo là diễn đàn để các bên chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi, học hỏi về việc phát triển lưới điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tải điện, cũng như công suất đấu nối các dự án năng lượng tái tạo ngày càng cao, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Là quốc gia đi đầu về phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, với tổng dự án lắp đặt lên đến 13GW, chiếm gần một nửa tổng khối lượng tại Châu Âu, Vương quốc Anh có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích về việc xây dựng khung pháp lý và phát triển kĩ thuật cho mạng lưới điện có khả năng đấu nối và truyền tải cao, cũng như phù hợp với một khối lượng lớn năng lượng tái tạo.
Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew bày tỏ sự tự tin và phấn khởi đối với quan hệ hợp tác hai nước trong ngành năng lượng tái tạo và quá trình chuyển đổi năng lượng: “Là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng carbon thấp và là trung tâm tài chính xanh toàn cầu, Vương quốc Anh sở hữu chuyên môn sâu rộng và có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo". Cũng theo Đại sứ Anh, ông rất vui khi thấy các doanh nghiệp Anh đã và đang tham gia tích cực vào quá trình này tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Đồng thời ông Iain Frew chia sẻ sự vui mừng khi thấy có nhiều đại biểu tham dự hội thảo để thảo luận về cách quản lý lưới điện hiệu quả.
Trong bài phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh: “Quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ là đòn bẩy cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19. Các kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong lĩnh vực năng lượng sẽ là những kinh nghiệm phát triển quý báu cho Việt Nam, đồng thời cũng là tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa ngành điện hai nước".
Ông Tài Anh hy vọng đây là cơ hội để các bên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý lưới điện, tiếp cận và học hỏi các giải pháp và công nghệ hiện đại tốt nhất tại Vương quốc Anh về phát triển năng lượng tái tạo và quản lý lưới điện quốc gia trong bối cảnh gia tăng nguồn năng lượng tái tạo trong ngành năng lượng tại Việt Nam và trên thế giới.
Các chuyên gia đều nhận định Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Sau các bài trình bày chuyên đề, Hội thảo cũng mang tới phần toạ đàm với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm Vương quốc Anh trong phát triển dự án năng lượng gió ngoài khơi và ứng dụng các công nghệ hiện đại”.
Các diễn giả chia sẻ thêm một số vướng mắc của ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam như quy trình cấp phép dự án và vai trò của việc phát triển lưới điện cũng như hệ thống truyền tải, từ đó, đóng góp các kiến nghị. Nhiều khía cạnh trong việc đưa các dự án năng lượng tái tạo vào thực tế cũng được thảo luận như quá trình xây dựng đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng, kết hợp với các loại hình năng lượng để tối ưu hóa chi phí, v.v...
Ông Denzel Eades, Chủ tịch Nhóm hoạt động về Phát triển bền vững của Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc Việt Nam (Britcham) bày tỏ: “Trong năm 2022, điện gió ngoài khơi tại Vương quốc Anh hiện đang được bán với mức giá thấp kỷ lục là 37,35 bảng Anh/MWh. Vì vậy, việc Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm phát triển 13GW điện gió ngoài khơi với Việt Nam trong tuần này thực sự có giá trị.
Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới và đang kỳ vọng phát triển được 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Các doanh nghiệp Vương quốc Anh rất mong muốn được hợp tác với các đối tác Việt Nam để hiện thực hóa tiềm năng đó”.
Tiến sĩ Oscar Roy-Fitch, chuyên gia về chính sách điện gió ngoài khơi, nhận định tầm quan trọng của một khuôn khổ pháp lý, quy định ổn định và rõ ràng cho hoạt động đầu tư. Để phát triển các khung pháp lý này hiệu quả, ông nói, cần các hoạt động đối thoại rõ ràng và liên tục giữa ngành và các nhà hoạch định chính sách.
Bình luận